Trả lời phỏng vấn đài truyền hình thông tấn

 

 

1.      Ông/Bà đánh giá thế nào về việc nhân sự ngành kế toán, kiểm toán sẽ được tự do di chuyển trong ASEAN từ năm 2016?

Như các bạn đã biết Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) sẽ chính thức thành lập vào ngày 31/12/2015, đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong lộ trình tiến tới một Cộng đồng ASEAN gắn kết và phát triển trong cộng đồng các quốc gia toàn cầu. Theo Hiệp định ASEAN “các quốc gia tạo điều kiện thuận lợi cho việc di chuyển thể nhân, hướng tới tự do hóa lao động có kỹ năng trong ASEAN”. Theo đó 8 ngành nghề lao động trong cộng đồng ASEAN gồm 600 triệu dân như kỹ sư, kiến trúc sư, bác sĩ, kế toán, ... sẽ được tự do di chuyển thông qua các thỏa thuận công nhận tay nghề tương đương.

Thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau về dịch vụ kế toán trong ASEAN (MRA) đã được ký kết bên lề Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN lần thứ 46 vào tháng 8/2014. Đây là cơ hội cho những người có chứng chỉ Kế toán viên Công chứng (như ở Việt Nam gọi là chứng chỉ Kiểm toán viên) đạt tiêu chuẩn ASEAN (gọi tắt là CPA ASEAN) có thể dễ dàng di chuyển và làm việc tại các nước thành viên ASEAN.

Việc tham gia Thỏa thuận này mở ra cho Việt Nam nhiều cơ hội, như: đa dạng hóa đối tượng tham gia hoạt động kế toán, kiểm toán tại Việt Nam, giúp Việt Nam tăng cường hội nhập với khu vực về lĩnh vực kế toán, kiểm toán; Thỏa thuận cũng tạo điều kiện thuận lợi cho người Việt Nam (có CPA ASEAN) được sang làm việc tại các nước khác trong khu vực và học hỏi kinh nghiệm tốt từ các quốc gia này.

2.      Theo Ông/Bà, đâu là thách thức đối với nhân sự Việt Nam khi mức độ cạnh tranh với lao động nước ngoài ngay tại thị trường trong nước cũng tăng cao, nhất là ở các vị trí cấp cao?

Trả lời:

Việc tham gia Thỏa thuận cũng đặt ra nhiều thách thức cho Việt Nam, trong đó chủ yếu là việc cạnh tranh gay gắt trong thị trường dịch vụ nghề nghiệp kế toán, kiểm toán trong nước, trong khi nhân lực ngành kế toán, kiểm toán của chúng ta còn kém về năng lực cạnh tranh cả ở góc độ doanh nghiệp và góc độ kiểm toán viên. Nếu không nâng cao năng lực cạnh tranh thì kể cả các công việc mà nhân lực Việt Nam đang thực hiện trong nước sẽ bị nhân lực chất lượng cao hơn, kinh nghiệm và chuyên môn tốt hơn của các nước trong khu vực sẽ tìm đến cạnh tranh, điều này có thể làm giảm thu nhập, thậm chí lấy đi việc làm của nguồn nhân lực kế toán, kiểm toán trong nước. Như vậy, chúng ta đã đánh mất cơ hội do cộng đồng kinh tế ASEAN mang lại.

Cơ hội và thách thức của quá trình hội nhập trên đây đã đặt ra đòi hỏi đối với các cơ quan quản lý nhà nước, các hội nghề nghiệp, các doanh nghiệp kế toán, kiểm toán và các kiểm toán viên cần nhận thức đúng, kịp thời tác động của nó từ đó tìm ra giải pháp để vượt qua thách thức, tận dụng cơ hội, phát triển bền vững nghề nghiệp này tại Việt Nam.

Thực tiễn cho thấy, nhân lực Việt Nam có khả năng đảm nhận những công việc kể cả vị trí điều hành khá cao trong doanh nghiệp của các đối tác đầu tư đến từ ASEAN. Đến nay, ASEAN cũng đã có Hiệp định về di chuyển tự nhiên nhân lực trong ASEAN và thỏa thuận công nhận lẫn nhau về chứng chỉ lành nghề của cơ quan chính thức như: Dịch vụ kỹ thuật, dịch vụ điều dưỡng, dịch vụ kiến trúc, chứng chỉ giám sát, nhân lực nghề y, nha khoa, kế toán, du lịch. Những dấu hiệu trên cho thấy, tiềm năng đáng kể của lao động Việt Nam trong việc sẵn sàng tham gia cộng đồng ASEAN.

Về phía Hội nghề nghiệp, Hội Kiểm toán viên hành nghề Việt Nam (VACPA) cũng có một số khuyến nghị đối với Hội viên tập thể là các doanh nghiệp kiểm toán và hội viên cá nhân là kiểm toán viên như sau:

Thứ nhất, đối với các công ty kiểm toán:

1- Cần khẩn trương xây dựng và điều chỉnh chiến lược phát triển, sứ mạng, tầm nhìn, mục tiêu của doanh nghiệp theo định hướng giữ vững ổn định và phát triển bền vững việc cung cấp dịch vụ đối với thị trường trong nước, đồng thời hướng đến cung cấp dịch vụ vượt ra khỏi phạm vi lãnh thổ, đặc biệt là trong khối ASEAN.

2- Chủ động đầu tư xây dựng thương hiệu; Tiến hành công tác nghiên cứu điều tra, thăm dò về thị trường tiềm năng, thị trường mục tiêu mà DN hướng đến.

3- Chú trọng công tác đào tạo đội ngũ kiểm toán viên, đội ngũ quản lý nòng cốt, có chính sách đãi ngộ tương xứng với năng lực để duy trì và phát triển đội ngũ kiểm toán viên chuyên nghiệp, đạt trình độ khu vực và được quốc tế công nhận.

Thứ hai, đối với các kiểm toán viên:

Chúng ta không thể cạnh tranh bền vững bằng lao động giá rẻ, chất lượng thấp mà phải hướng đến đội ngũ nhân lực ngành kế toán, kiểm toán có chất lượng cao, năng suất cao, mang lại nhiều giá trị gia tăng. Như vậy mới tận dụng được các cơ hội, vượt qua được các thách thức trong quá trình hội nhập đã và đang diễn ra ngày càng sâu rộng. Do đó, VACPA rất mong các bạn kiểm toán viên phải nâng cao hơn nữa trình độ chuyên môn, kỹ năng và trình độ ngoại ngữ, nâng cao bản lĩnh nghề nghiệp, tính chuyên nghiệp trong cung cấp dịch vụ đồng thời phải rèn luyện đạo đức nghề nghiệp để thực sự là các kiểm toán viên chuyên nghiệp, uy tín, sẵn sàng cạnh tranh để tận dụng cơ hội của quá trình hội nhập.

Xin cảm ơn!

Trích nguồn:
Số lượt đọc: 18131

Đánh giá bài viết
Kết quả